Trang chủ Tiêu điểm Thịt chua Mường Vang Phú Thọ – đặc sản địa phương vươn ra thị trường

Thịt chua Mường Vang Phú Thọ – đặc sản địa phương vươn ra thị trường

bởi Linh

Thịt chua, một món ăn dân dã của người Mường ở vùng Mường Vang, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình (cũ), đã trở thành sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn OCOP, có mặt ở nhiều tỉnh, thành. Món ăn này không chỉ giữ gìn được hồn ẩm thực của người Mường mà còn đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực vùng cao.

Sản phẩm thịt chua Tuấn Linh đã trở thành món ăn quen thuộc, được nhiều thực khách ưa chuộng.Ảnh: Hằng Nguyễn
Sản phẩm thịt chua Tuấn Linh đã trở thành món ăn quen thuộc, được nhiều thực khách ưa chuộng.Ảnh: Hằng Nguyễn

Ở xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn (cũ), nay là xã Lạc Sơn, tỉnh Phú Thọ, thịt chua từng được gọi là “thịt muối chua”. Đây là một cách chế biến và bảo quản thịt để được lâu ngày. Món ăn được chế biến bằng cách lên men tự nhiên, thịt lợn trộn thính và gia vị đặc trưng như tỏi, ớt, hạt dổi.

Từ năm 2016, một số hộ dân ở xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (cũ), nay là Lạc Sơn, tỉnh Phú Thọ, bắt đầu sản xuất thịt chua theo hướng hàng hóa. Cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin của bà Bùi Thị Tin, phố Lâm Hóa 2, là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng thương hiệu, hoàn thiện mẫu mã và đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Hiện mỗi tháng, cơ sở Lâm Tin cung cấp khoảng 3.500 sản phẩm thịt chua ra thị trường, gồm hai loại chính: Thịt chua quả và thịt chua hộp. Tất cả đều có bao bì đạt chuẩn, tem QR truy xuất nguồn gốc, hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng rõ ràng.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2022, sản phẩm đã có mặt tại nhiều cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh, phân phối tại các điểm bán nông sản sạch ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

Điều làm nên sự khác biệt của thịt chua Lâm Tin nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình sản xuất. Thịt được lấy từ lợn sạch, có đủ nạc, mỡ, bì để đảm bảo độ béo. Thính được làm từ ngô, có hàm lượng tinh bột cao, được rang kỹ và xay mịn.

Hạt dổi – thứ gia vị đặc trưng của người Mường được nướng vừa đủ để giữ mùi thơm, sau đó giã nhuyễn trộn cùng tỏi, muối theo tỉ lệ nhất định. Thịt được thái mỏng, trộn đều gia vị rồi ủ kín. Không dùng chất bảo quản hay men nhân tạo, mỗi mẻ thịt phải đạt chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm và thời gian lên men tự nhiên.

Không chỉ cơ sở Lâm Tin, trên địa bàn xã Lạc Sơn, tỉnh Phú Thọ hiện có gần 10 hộ sản xuất thịt chua. Một số hộ như cơ sở sản xuất thịt chua Tuấn Linh, phố Lâm Hóa 1, cũng đang đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2022, mỗi ngày cơ sở Tuấn Linh sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm, phân phối tại các tỉnh như Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh… Nhờ ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo trong tiếp thị, sản phẩm tiếp cận được nhiều nhóm khách hàng hơn.

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Lạc Sơn, thịt chua là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những năm gần đây, chính quyền xã đã tích cực hỗ trợ người dân về quảng bá, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm và kết nối thị trường. Tới đây, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ căn bếp nhỏ của người Mường Vang, thịt chua đã đi một hành trình dài để trở thành món ăn có thương hiệu, có thị trường và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Đây không chỉ là thành quả của sự nhạy bén kinh tế, mà còn là những nỗ lực gìn giữ, phát huy văn hóa ẩm thực của một cộng đồng lâu đời.

Có thể bạn quan tâm