Trang chủ Tiêu điểm Dệt may chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn

Dệt may chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn

bởi Linh

Chuyển đổi tuần hoàn chính là chìa khóa để phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo khả năng tồn tại, giúp các doanh nghiệp chiếm ưu thế cạnh tranh trong tương lai. Đối với ngành dệt may, việc chuyển đổi theo mô hình kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế. Mô hình này gồm 3 nội dung cốt lõi: Giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường thông qua sử dụng tối ưu nhất tài nguyên và năng lượng; tái sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; tái chế, tận dụng phế liệu, phế thải trở thành đầu vào sản xuất.

Ngành công nghiệp dệt may đang nỗ lực không ngừng để phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong giai đoạn 2025-2030, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phát triển theo chiều sâu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giảm phụ thuộc lao động phổ thông. Để chuyển sang kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp dệt may cần giảm dùng sợi nguyên sinh hóa thạch, tăng tỷ lệ polyester tái chế; phát triển sợi cellulose tái tạo thay polyester; thiết kế sản phẩm bằng sợi đơn chất (cotton 100%, polyester 100%) để tái chế dễ dàng; sử dụng nguyên liệu sinh học thay thế một phần polyester.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong khi polyester thông thường phải mất đến 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn, thì nguyên liệu polyester tái chế khi được vùi trong đất có khả năng phân hủy đến 68,8% sau 180 ngày. Đồng thời, chuyển đổi sang thuốc nhuộm gốc nước, ít độc hại, dễ phân hủy. Ứng dụng công nghệ nhuộm mới như nhuộm CO₂ siêu tới hạn, nhuộm foam, nhuộm plasma.

Mục tiêu tái chế hợp lý đặt ra yêu cầu điều chỉnh quy trình thiết kế và tái chế quần áo. Hiện nay, việc thiết kế và sản xuất quần áo thường không tính đến điều gì sẽ xảy ra khi quần áo không thể sử dụng được nữa. Các chuyên gia cho rằng, việc hướng tới nhiều loại vật liệu và phát triển các quy trình tái chế hiệu quả cho những vật liệu này là một bước quan trọng trong việc mở rộng quy mô tái chế, cũng như việc phát triển các vật liệu mới.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp như TCM – Dệt may Thành Công đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao, có quy trình sản xuất khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may, phát triển bền vững (ESG), tăng cường sử dụng 3 loại vật liệu polyester, viscose, cotton tái chế.

Tái chế hợp lý trong ngành dệt may còn gắn liền với yêu cầu đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh để cải thiện tính kinh tế và chất lượng tái chế. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường, cho rằng, cần có một chương trình đổi mới chung để tập trung nỗ lực và đầu tư vào công nghệ tái chế các vật liệu thông thường; cải tiến công nghệ phân loại cũng sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng tái chế bằng cách cung cấp nguyên liệu được xác định rõ ràng.

Với vai trò hạt nhân ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu đến 2030 đạt mức tăng trưởng hai con số, phát triển bền vững theo kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu xuất khẩu riêng. Hiện tỷ lệ sản phẩm xanh của Vinatex đã đạt 25%; toàn hệ thống đã đưa vào sản xuất sản phẩm sợi từ nguyên liệu tái chế tăng cao hàng năm, đến năm 2024 đạt 17.864 tấn.

Ngành dệt may Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia; xuất khẩu dệt may trị giá 44 tỷ USD năm 2024, giữ vị trí thứ hai thế giới. Mục tiêu năm 2025 đạt 47-48 tỷ USD. Hướng đi tới kinh tế tuần hoàn của dệt may Việt Nam nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, góp phần thực hiện mục tiêu chung của quốc gia và toàn cầu về Net Zero, đồng thời còn tận dụng cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững vị thế xuất khẩu hàng đầu thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm xanh của nhà nhập khẩu.

Có thể bạn quan tâm