Cơ quan thuế tỉnh Đồng Nai đã áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của 17 doanh nghiệp đang nợ thuế. Tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp này lên đến khoảng 23,96 tỷ đồng. Đây là một phần trong chuỗi biện pháp cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp có hành vi chây ì nộp ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn thu và kỷ cương tài chính công.

Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là bước tiếp theo trong quy trình đôn đốc thu hồi nợ thuế. Theo Luật Quản lý thuế, đây là biện pháp mạnh để ngăn chặn khả năng người đại diện doanh nghiệp bỏ trốn hoặc trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đội Thuế liên huyện Biên Hòa – Vĩnh Cửu yêu cầu các doanh nghiệp có tên trong danh sách phải nộp ngay toàn bộ khoản nợ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp đã nộp, thay đổi người đại diện pháp luật hoặc thay đổi giấy tờ tùy thân, phải cung cấp thông tin và tài liệu chứng minh cho cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao có tới 17 doanh nghiệp cùng bị phát hiện nợ thuế, cùng một thời điểm, trên cùng địa bàn? Phải chăng việc giám sát, cảnh báo sớm chưa được thực hiện đầy đủ? Việc ‘chây ì’ nộp thuế có phải là biểu hiện của năng lực tài chính yếu, hay sự lẩn tránh nghĩa vụ thuế có hệ thống?
Câu trả lời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thuế tỉnh Đồng Nai, thanh tra tỉnh, Sở Tài chính cũng như chính quyền địa phương, không chỉ để thu hồi thuế nợ, mà còn để ngăn ngừa, cảnh báo và xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Theo góc nhìn chuyên gia, Luật sư Phạm Đình Bắc – Giám đốc công ty Luật TNHH Nam Bắc Sài Gòn nhận định: ‘Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hành chính mạnh, nhưng đúng pháp luật, giúp tạo áp lực buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế cần làm rõ nguyên nhân nợ thuế: do khó khăn thật sự, hay cố tình chây ì, từ đó chọn cách xử lý phù hợp: hỗ trợ hay cưỡng chế.’
Cùng với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế như tạm hoãn xuất cảnh, ngoài công khai danh sách nợ thuế trên cổng thông tin điện tử ngành thuế thì cần báo chí chính thống lên tiếng để tăng tính minh bạch, tạo áp lực dư luận và khôi phục kỷ cương tài chính công.